LỨA TUỔI THÍCH “NỔI LOẠN”
Phân tích tâm lý của lứa tuổi 11-14, theo tiến sĩ Nguyễn Minh Hải, lứa tuổi này có một vị trí đặc biệt và tầm quan trọng to lớn trong thời kỳ phát triển của trẻ em, thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành nên phụ huynh chớ nên “coi thường” bởi đây là giai đoạn dậy thì.
Lứa tuổi này, các em có bước nhảy vọt về thể chất lẫn tinh thần. Các em đang tập khẳng định mình nên không phải lời khuyên, dạy bảo nào của bố mẹ các em cũng muốn nghe. Các em muốn được đối xử như người lớn chứ không phải bảo sao nghe vậy.
Các em bảo vệ lời nói của mình bằng cả lời nói và hành động. Điều đó đòi hỏi người lớn cần biết cách tôn trọng tính độc lập và quyển bình đẳng của thiếu niên, cần gương mẫu, khéo léo, tế nhị trong mọi vấn đề.
Cha mẹ cần chuẩn bị cho con tâm thế bước vào học THCS như việc học tập ở nhà, TS Hải khuyên các phụ huynh nên theo dõi, động viên các em vì nội dung học ở trung học khác với tiểu học. Cha mẹ nên quan tâm tới con trong việc học tập, tránh tối đa việc xỉ vả, mắng nhiếc khi con không hoàn thành yêu cầu của thầy cô và của bố mẹ vì ở tuổi này, các em rất dễ bị tự ái.
Lứa tuổi này đang ở thời điểm dậy thì nên thoắt vui, thoắt buồn, ương bướng. Do vậy, bố mẹ nên dạy theo phương pháp “lạt mềm buộc chặt”.
Gia đình người Việt Nam hay có thói quen áp đặt, lứa tuổi thiếu niên đang trong thời kỳ muốn nổi loạn, có nhiều biểu hiện như bố mẹ không muốn cho con chơi với con của một người khác nhưng càng cấm, các em càng chơi. Những trường hợp này các cha mẹ phải động viên an ủi con theo cách: nên chọn bạn mà chơi như chọn sách mà đọc.
Đối với việc khuyên giải, phụ huynh không nên khuyên giải các em trước đám đông, trước tập thể gia đình mà nên khuyên giải theo cách riêng tư.
KỸ NĂNG SỐNG CẦN THIẾT DÀNH CHO HỌC SINH LỚP 6
Sự thay đổi về nội dung học: các em được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau, nội dung trừu tượng, phong phú sâu sắc hơn, đòi hỏi các em có sự thay đổi về phương pháp học.
Sự thay đổi về phương pháp dạy học và hình thức học tập, ở mỗi môn học có một giáo viên giảng dạy, vì vậy các em được học với nhiều thầy cô. Mỗi thầy, cô có cách trình bày, phương pháp dạy học của mình. Nên cách dạy và nhân cách của người thầy sẽ tác động vào việc hình thành và phát triển trí tuệ, cách lập luận, nhân cách của học sinh.
Đối với học sinh THCS, lứa tuổi 11-14 là lứa tuổi có nhiều thay đổi mạnh mẽ về thể chất, sức khỏe và tâm sinh lý. Với ý thức muốn làm người lớn, muốn khẳng định mình trong gia đình lẫn ngoài xã hội trong khi các bậc cha mẹ, thầy cô vẫn coi các con là trẻ con. Vì vậy, bậc làm cha mẹ và các thầy cô giáo cần động viên, dìu dắt quan tâm giúp đỡ các con trong giai đoạn này, giáo dục các con những kỹ năng sống cần trang bị cho lứa tuổi thiếu niên.
Theo các nhà tâm lý giáo dục, cần trang bị cho học sinh THCS những kỹ năng sống cần thiết để phát huy sự tự tin, năng động, sáng tạo của các con với những kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng điều chỉnh và quản lý cảm xúc, Kỹ năng tự phục vụ bản thân, Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, Kỹ năng xác lập mục tiêu cuộc đời, Kỹ năng giao tiếp và ứng xử, Kỹ năng đánh giá và phân biệt hành vi, Kỹ năng thể hiện tự tin trước đám đông, Kỹ năng đối diện và ứng phó khó khăn trong cuộc sống, Kỹ năng hợp tác, chia sẻ, Kỹ năng nhận tự thức và đánh giá bản thân.
Những học sinh năng động, tự tin mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình thường có mức yêu cầu cao đối với bản thân. Để giáo dục cho học sinh rèn luyện và hình thành những kỹ năng sống cần có sự nỗ lực từ nhiều phía: Gia đình, nhà trường, xã hội và chính bản thân học sinh.